Những Sai Lầm Thường Gặp Khi Học Kanji
Các bài viết gần đây :
- Du Học Nhật Bản
- Những Thủ Thuật Thần Thánh Giúp Bạn Học Kanji Hiệu Quả
- Bạn có chắc mình viết đã đúng chữ “So” trong bảng Hiragana?
Trong tất cả các loại ngôn ngữ trên thế giới, tiếng Nhật nằm trong nhóm thuộc dạng “ khó ” nhất. Trong tiếng Nhật, ngoài việc khó khăn khi chia động từ hay dịch từ với cấu trúc ngược ngạo, còn có Kanji, “nỗi ám ảnh” cho bất kì ai muốn theo học tiếng Nhật.
Qua chút ít kinh nghiệm mà bản thân có được, hôm nay tôi xin được chia sẻ cho các bạn biết cách học Kanji dành cho những người mới bắt đầu chinh phục tiếng Nhật, từ đó nhìn lại xem mình có mắc phải những sai lầm thường gặp khi học Kanji này hay không nhé.
Tinh thần dễ lung lay
Đây là điều đầu tiên tuyệt đối không nên xảy ra với những ai đã quyết tâm học tiếng Nhật. Khi vượt qua được thử thách đầu tiên là 2 bảng chữ cái Hiragana và Katanaka đầy gian nan, tôi vẫn còn giữ vững cho bản thân một hào khí cực lớn để tiếp tục thẳng tiến. Đến khi gặp Kanji, tôi khẳng định đó là một trải nghiệm không ít thử thách. Quan niệm về tiếng Nhật trong tôi khi ấy như được mở ra một chương mới, lớn đến mức tôi cảm nhận bộ não của mình quá nhỏ bé để chứa đựng hết đầy đủ những ký tự tượng hình phức tạp như vậy. Bức tường Kanji quả thật đã từng làm quyết tâm của tôi bị lung lay, khiến tôi cảm thấy mình mềm yếu trong việc đạp tan bức tường đó để tiến lên. Càng ngán ngẫm hơn khi xung quanh mình, tôi thấy cũng không ít người đầu hàng tiếng Nhật chỉ vì “Kanji quá khó chịu!”. Tuy nhiên, đối với tôi, đã quyết định học rồi thì phải đi tiếp, chỉ duy nhất con đường mình đã chọn, không thể bỏ cuộc dù có ra sao. Tôi tự đặt cho mình những mục tiêu đơn giản, dần dần trở thành quen. Và cho đến hôm nay, tính ra cũng đã 6 năm trôi qua, tôi chợt nhận ra sự thật rằng: mình vẫn còn trụ vững trên con đường học tập Kanji.
Học vẹt quá nhiều
Tôi biết mình giỏi tưởng tượng nên tôi đã cố gắng tìm cho riêng mình một phương pháp khoa học nào đó để giảm tải thời gian mà lại giúp tăng số lượng ký tự nhớ được sao cho nhanh nhất ở khoảng thời gian đầu. Tôi đã tìm kiếm tất cả những tài liệu nào giúp nhớ nhanh chữ Kanji thông qua phương pháp tượng hình. Hiệu quả thật sự khi tôi áp dụng phương pháp này, nó làm tôi cảm nhận được Kanji thú vị, phong phú đậm chất tranh ảnh mà không còn khô khan nữa. Chữ Kanji khi đó được tôi mô tả thành nhiều hình ảnh cụ thể sinh động, tôi đã vẽ tràn lan ở tất cả các chỗ trống trong cuốn vở nháp. Tôi tự tin cao độ với phương pháp này cho đến một ngày, tôi nhận ra được tính bất thường của nó khi bản thân đã quá lạm dụng mà không quan tâm đến các yếu tố quan trọng khác. Đến lúc số lượng nét của một chữ tăng cao, không còn sơ cấp như 5-6 nét một chữ nữa mà có khi lên đến 10-12 nét một chữ. Nếu cứ học theo cách tượng hình bay bổng như này chẳng khác gì tôi tự làm khổ lấy mình khi phải cố buộc bản thân phải ghi nhớ cả trăm ngàn bức tranh khác nhau. Thế là tôi ngẫm nghĩ lại rồi quyết định tìm kiếm cho mình một phương pháp học mới.
Và rồi một ánh dương mới đã khai sáng trong tôi khi tình cờ tôi lật ra một cuốn sổ tay Kanji, trong đó toàn bộ Kanji được sắp theo bộ, khoa học và trật tự. Từ đó, tôi bắt đầu học Kanji như một người đang nghiên cứu về quy luật và cấu trúc của nó. Toàn bộ ký tự Kanji là sự kết hợp của 214 bộ thủ. Thật nhẹ nhõm người khi tôi chỉ cần nhớ 214 bộ nét cấu tạo nên chữ Kanji mà chẳng cần bận tâm vận đầu óc nhớ cả trăm ngàn bức ảnh. Đến đây, Kanji đối với tôi chẳng khác gì một trò chơi ghép hình thú vị.
Bỏ qua phần học âm Hán Việt
Vì có quá nhiều kiến thức cần phải nắm vững được trong một chữ Kanji nên tâm lí không muốn học thêm yếu tố nào nữa là rất dễ hiểu. Tuy nhiên, chính vì cái suy nghĩ đó đã khiến cho không ít bạn bè tôi bỏ lỡ một lợi thế lớn mà nhiều bạn ngoại quốc khác không có được. Đó chính là âm Hán-Việt. Trên thực tế, các âm Hán-Việt đem lại khá nhiều lợi ích cho người học Kanji. Đối với tôi, ngoài việc âm Hán-Việt giúp nhớ cách phát âm ON qua một số quy luật cụ thể mà còn giúp tôi suy đoán được nghĩa của từ được phát âm Hán-Việt trong những bài đọc hiểu mà xuất hiện từ mới được ghép từ Kanji. Hơn nữa, âm Hán-Việt còn giúp tôi dễ dàng gọi tên những chữ Kanji mình đã nhớ cùng với các bộ thủ. Tất cả những lợi ích này khiến tôi thích thú hơn khi học Kanji, bổ sung thêm nhiều vốn từ, có cảm giác như được trở về nguồn cội của ngôn ngữ dân tộc.
Quá cô lập chữ Kanji
Bản thân tôi đã từng cô lập chữ Kanji mà không viết nó đứng chung với một Kanji khác để tạo nên một từ có ý nghĩa. Những cuốn vở nháp mà tôi cùng bạn bè thi nhau viết tràn ngập Kanji ngày ấy vẫn có tác dụng nhưng mặt trái mà nó mang lại lại khiến tôi dễ bị nhớ nhầm bộ thủ khi đối diện với nhiều chữ Kanji na ná nhau, đặc biệt là trong các bài thi trình độ Nhật ngữ. Mãi về sau, tôi đã rất phấn khích khi tự tay viết được một đoạn văn dài với nhiều chỗ Hiragana và Katanaka được thay thế bằng Kanji. Tôi cố gắng thể hiện chữ Kanji ngay trong các bài Sakubun mà giảng viên cho. Cứ thế dần dần, tôi không còn ngại ngùng mỗi khi thấy Kanji mà còn mong chờ Kanji xuất hiện càng nhiều càng tốt. Mỗi lần muốn tự học thêm chữ Kanji nào mới, tôi liền mở ra một đoạn văn nho nhỏ nào đó mà có chứa Kanji hoặc một bài báo từ internet rồi cố đọc hiểu và khám phá ký tự Kanji từ chính ngữ cảnh của nó.
Lười tra cứu khi bản thân không nhớ từ
Không thể chấp nhận được những biện minh rằng người học Kanji không tiến bộ vì lí do thiếu nhiều phương tiện. Trong thời buổi công nghệ hiện đại, phần lớn ai cũng có riêng cho mình một chiếc điện thoại di động, thế nên bạn có thể tra cứ bất kì từ nào ở bất cứ lúc nào bằng ứng dụng điện thoại, không thì hãy luôn giữ lấy cuốn sổ tay Kanji bên mình như tôi. Lí do tôi lưu ý các bạn đến điều này là vì tôi không thể quên được sự tức tối khi trong lúc thi lại thấy một chữ Kanji mà có lần bản thân đã bỏ qua vì lười tra cứu.
Có thể là những cái tôi đã nêu trên giống hoặc không giống với các bạn. Nhưng các bạn hãy luôn ghi nhớ điều này: Quan trọng không nằm ở việc bao giờ xong mà là đừng bao giờ chùn bước với việc làm mà mình đã quyết định lựa chọn. Trên đây là những sai lầm thường gặp khi học Kanji mà tôi đã đúc kết được trong nhiều năm trời học tập. Hi vọng rằng nó sẽ giúp các bạn cái cách học đúng đắn và ý chí vững vàng hơn khi học Kanji nói chung và học tiếng Nhật nói riêng.
nguồn: hoctiengnhatuytin
CÔNG TY CỔ PHẦN SEN QUỐC TẾ
Chuyên Đào tạo Nhật ngữ – tư vấn hồ sơ du học Nhật Bản
36A Đặng Tất P. Vĩnh Hải Tp Nha Trang Khánh Hòa
Tel/Fax: +8458.3838.279 Mobil: 0966.777.628 (Mr Ca)
Email: [email protected] Webs
Facebook: