Lễ hội ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản

Lễ Hội Hanami – Lễ Hội Đón Mùa Xuân Ở Nhật Bản

  • Updated
  • Posted in Tin Tức
  • 11 mins read

Hanami là lễ hội ngắm hoa anh đào diễn ra hàng năm ở Nhật từ tháng 3 tới tháng 5. Hoa sẽ nở sớm ở những vùng miền nam ấm áp hơn như đảo Okinawa. Hanami (花見) là từ ghép giữa hai từ “Hana (花)” và “Mi (見)”, trong đó “Hana” có nghĩa là hoa (hoa anh đào hoặc hoa mơ), “Mi” có nghĩa là xem, ngắm nhìn. Hanami có nghĩa là ngắm nhìn, thưởng lãm hoa anh đào, và được gọi là hội hoa anh đào. Đây là tập quán thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào, chúc mừng nhau và cảm nhận không khí mùa xuân của người Nhật. Vào những ngày lễ hội này, mọi người thường tụ tập dưới những gốc cây anh đào nở hoa, vừa ngắm hoa, vừa uống rượu. Loại rượu được uống lúc ngắm hoa là “Hanamizake” (kết hợp của hai từ: Hanami và rượu sake) Những địa điểm ngắm hoa được ưa thích nhất bao gồm công viên Ueno (Tokyo), đảo Okinawa, bờ hồ Kawaguchiko nhìn ra đỉnh Phú Sĩ hay con đường Triết gia (lối vào chùa Bạc Ginkakuji) ở Kyoto.

Lễ hội ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản
Lễ hội ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản

Thường vào cuối tháng Ba, hoa sakura bắt đầu nở từ miền Nam Nhật Bản, nơi có khí hậu ấm áp hơn, sau đó, tỏa dần lên đến phía Bắc. Tuy hoa anh đào hiện diện ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Đức, Pháp, Áo… nhưng đối với người Nhật, hoa anh đào được tôn vinh là quốc hoa và loài hoa này đã trở thành biểu tượng quốc gia của họ.Cùng với núi Phú Sĩ, hoa anh đào cũng được xem như một biểu tượng của Nhật Bản.

Lễ hội ngắm hoa ở Nhật Bản
Lễ hội ngắm hoa ở Nhật Bản

Lễ hội Hanami có lịch sử đã hàng nghìn năm, bắt đầu ở thời kỳ Nara (710-794), khi hoa mai còn được ưa thích hơn, rồi sau đó là hoa đào ở thời Heian (794-1185). Trong thời kỳ bùng nổ của văn học và nghệ thuật Nhật Bản này, “hoa” trong thơ haiku và tanka luôn được hiểu là “anh đào”. Cụm từ Hanami lần đầu tiên được sử dụng để chỉ nghi thức ngắm anh đào nở trong cuốn tiểu thuyết trứ danh Chuyện kể Genji thời Heian.

Hoa anh đào, ở một xã hội nông nghiệp như Nhật Bản cổ-trung đại, là dấu hiệu kết thúc một mùa thu hoạch và bắt đầu mùa gieo trồng mới. Nhật Hoàng Saga thời Heian đã chính thức hóa nghi lễ này và tổ chức các bữa tiệc ngắm hoa anh đào, uống rượu sake dưới những tán cây phủ kín một màu hồng nhạt tại cung điện của mình ở Kyoto. Các nhà thơ thường ca ngợi vẻ đẹp mỏng manh của loài hoa này, bởi trong triết lý sống Nhật Bản, nó là phép ẩn dụ cho chính cuộc đời, rực rỡ, đẹp đẽ nhưng phù du và chỉ là cái gì đó thoáng qua.
Bắt đầu từ hoàng tộc, lễ hội Hanami nhanh chóng lan rộng ra tầng lớp võ sĩ đạo và tới thời Edo, trở thành một lễ hội cho cả giới bình dân. Shogun thứ tám của dòng Tokugawa, Tokugawa Yoshimune (1684-1751) là người rất ham thích hoa anh đào và đã ra lệnh trồng rất nhiều cây hoa này để mọi người có chỗ tiệc tùng dưới các tán hoa vào mùa Xuân.
Lễ hội ngắm hoa ở Nhật Bản
Bức tranh về lễ hội Hanami vào thời trung đại ở Nhật Bản
Người Nhật hiện đại đã tiếp nối truyền thống Hanami đó qua một thiên niên kỷ. Ngày nay, hàng nghìn người đổ đến các công viên ăn uống dưới các tán cây vào mùa anh đào nở. Ở Nhật Bản hiện đại, mùa anh đào nở thường trùng đúng vào năm học mới và kết thúc một kỳ nghỉ dài, trở thành một dịp thuận tiện để tiệc tùng chờ đợi cho những điều tốt đẹp hơn. Các cuộc tản bộ trong công viên dưới tán anh đào nở cũng là cách nhiều người Nhật làm mới lại mình và thoát khỏi những sức ép của một xã hội công nghiệp luôn đòi hỏi khắc nghiệt.
Để có chỗ tốt ngắm anh đào trong mùa này, người Nhật thường phải đi giữ chỗ trước ở các công viên từ rất sớm. Tại những thành phố lớn như Tokyo, lễ hội ngắm anh đào diễn ra đến tận đêm và ở một số nơi như công viên Ueno, lồng đèn giấy được thắp lên càng khiến không khí lễ hội thêm lung linh huyền ảo.

Hoa anh đào trở nên lung linh hơn dưới ánh đèn lồng
Hoa anh đào trở nên lung linh hơn dưới ánh đèn lồng

Cục Khí tượng thủy văn Nhật Bản có trách nhiệm công bố ngày hoa nở mỗi năm và thông tin này được người Nhật theo dõi rất sát sao để chuẩn bị hoàn hảo cho kế hoạch ngắm hoa của mình. Những đóa anh đào đầu tiên sẽ mở cánh tại các hòn đảo miền Nam cận nhiệt đới thuộc tỉnh Okinawa, trong khi ở tỉnh miền bắc Hokkaido, anh đào nở muộn hơn rất nhiều. Tại hầu hết các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto hay Osaka, anh đào thường nở vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Mọi phương tiện truyền thông ở Nhật vào những dịp này đều theo dõi sát sao đường đi của những đóa hoa anh đào, từ Nam lên Bắc.
Dịp lễ Hanami cũng thường đi kèm với các buổi tiệc tùng và ca múa nhạc. Một số món ăn truyền thống Nhật Bản được chuẩn bị riêng cho dịp này, như dango, một loại kẹo dẻo làm từ gạo, và bento, cơm thập cẩm với cá và hải sản chiên bột. Còn rượu sake đương nhiên là thứ đồ uống không thể thiếu.
Những hộp cơm bento không thể thiếu vào ngày lễ

Những hộp cơm bento không thể thiếu vào ngày lễ

Trong những năm gần đây, lễ hội Hanami còn được tổ chức tại một số nước lân cận thông qua Đại Sứ quán Nhật Bản. Tại lễ hội sẽ diễn ra một số hoạt động về văn hóa như ca múa nhạc, trò chơi dân gian Nhật Bản. Thậm chí còn có những cây hoa anh đào được mang từ Nhật Bản để các khách tham quan chiêm ngưỡng.

đăng ký học tiếng nhật
Đăng ký học tiếng nhật miễn phí !!!

CÔNG TY CỔ PHẦN SEN QUỐC TẾ
Chuyên Đào tạo Nhật ngữ – tư vấn hồ sơ du học Nhật Bản – Biên phiên dịch tiếng Nhật
36A Đặng Tất P. Vĩnh Hải Tp Nha Trang Khánh Hòa
Tel/Fax: +8458.3838.279 Mobil: 0966.777.628 (Mr Ca)
Email: info@senquocte.com Website:http://senquocte.com
Facebook: https://www.facebook.com/senquocte 

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.