Hiểu thêm về sự mạnh mẽ của phụ nữ Nhật Bản qua 5 bộ phim nổi tiếng
Hãy cùng nhau tìm hiểu thêm về sự mạnh mẽ của phụ nữ Nhật Bản qua 5 bộ phim nổi tiếng dưới đây nhé. Biết đâu bạn sẽ có thể tìm được niềm vui và có thêm động lực sống qua những bộ phim dưới đây.
5 BỘ PHIM TRUYỀN HÌNH NHẬT BẢN SẼ CHO BẠN THẤY CHỊ EM PHỤ NỮ MẠNH MẼ ĐẾN NHƯỜNG NÀO
Người phụ nữ hiện lên qua những thước phim, dù là truyền thống hay hiện đại thì ở họ luôn toát lên sự mạnh mẽ, cứng cỏi, sống với đam mê và khao khát làm chủ cuộc đời.
5 tuyệt tác truyền hình Nhật Bản sau đây chính là ví dụ điển hình.
- Mother (Lòng Mẹ, 2010)
Tác phẩm của nhà biên kịch số 1 Nhật Bản Yuji Sakamoto đã nhận được vô số lời khen ngợi từ giới phê bình, cùng với đó là nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau. Câu chuyện về một cô giáo cưu mang học trò của mình bằng tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ đã lấy đi không ít nước mắt của nhiều thế hệ.
“Mother” xoay quanh câu chuyện về hai nhân vật chính là Suzuhara Nao (Matsuyuki Yasuko) và Michiki Reina (Ashida Mana). Suzuhara Nao là giáo viên tiểu học tại một vùng biển hẻo lánh. Quá khứ đau buồn cùng cuộc sống hiện tại không có niềm vui đã khiến cô tự trói buộc bản thân vào công việc mà cô chẳng hề hứng thú. Trong khi đó, Michiki Reina là một học sinh có chút kì lạ nhưng lại thu hút sự chú ý của Nao, đồng thời cũng là nạn nhân của nạn bạo hành.
Chỉ mới 7 tuổi, Reina đã phải chịu đựng nỗi đau quá lớn về cả thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng, cô bé luôn cố gắng che giấu nỗi đau của mình bằng cách mỉm cười. Chứng kiến hoàn cảnh Reina, tình mẹ từ tận sâu trong trái tim Nao trỗi dậy. Từ một người thờ ơ với mọi thứ xung quanh, tình cảm mãnh liệt ấy đã đưa cô đi đến một quyết định đầy táo bạo: cùng Reina bỏ trốn đến một nơi hoàn toàn xa lạ.
Ở đấy, không ai biết họ là ai. Nao chấp nhận sống trong sự giả dối cả đời để trở thành người mẹ thay thế của Reina, giúp cô bé thoát khỏi cảnh bị chính cha mẹ ruột của mình hành hạ. Hành trình từ Hokkaido đến Tokyo không chỉ là dấu chấm hết cho số phận đau thương của Reina mà còn là cánh cửa mở ra một cuộc sống mới tươi đẹp, không còn những day dứt trong quá khứ của Nao.
“Mother” mang đến cho người xem nhiều bài học mang tính nhân văn sâu sắc, nổi bật là chi tiết về bản năng làm mẹ của Nao. Ẩn sau vẻ ngoài thờ ơ, lạnh lùng của cô vẫn là sự bao dung, là tình yêu thương chất chứa mà mãi cho đến khi gặp Reina mới bộc lộ ra ngoài.
- Woman: My Life For My Children (2013)
“Woman: My Life For My Children” – một tác phẩm khác của biên kịch gia số 1 Yuji Sakamoto cũng là một thước phim về tình mẫu tử thiêng liêng. Thế nhưng, khác với “Mother”, “Woman” là câu chuyện đẫm nước mắt của người phụ nữ bỗng chốc phải gánh vác cả gia đình trên đôi vai bé nhỏ.
Bộ phim bắt đầu bằng những tháng ngày tươi đẹp của Aoyagi Koharu (Mitsushima Hikari) khi vô tình gặp Shin (Oguri Shun) tại ga xe lửa. Cả hai yêu nhau, về chung dưới một mái nhà và vô cùng hạnh phúc khi chào đón hai thành viên mới. Đáng tiếc thay những ngày tháng bình yên cùng gia đình trọn vẹn ấy chẳng thể kéo dài khi một tai nạn bất ngờ đã cướp đi mạng sống của Shin.
Bắt đầu cuộc sống của người mẹ đơn thân, Koharu tìm mọi cách để hai con có cuộc sống đầy đủ. Người duy nhất có khả năng giúp đỡ Koharu chính là Uesugi Sachi (Tanaka Yuko) – người mẹ đã bỏ rơi cô 20 năm về trước.
“Woman: My Life For My Children” là món quà dành riêng cho những người mẹ đơn thân trong xã hội. Giống như Koharu, dù gặp phải khó khăn gì thì họ vẫn chẳng bao giờ từ bỏ, luôn mong muốn những điều tuyệt vời nhất đến với con mình. Dù không có người đàn ông bên cạnh nhưng phụ nữ vẫn có thể làm chủ hạnh phúc của mình.
- Hanako To Anne (Ngã Rẽ Cuộc Đời, 2014)
“Hanako To Anne” là một trong số những tác phẩm được yêu thích nhất năm 2014 nhờ kịch bản lay động lòng người cùng diễn xuất thuyết phục của dàn diễn viên tên tuổi.
Nội dung phim xoay quanh cuộc đời của Muraoka Hanako (Yoshitaka Yuriko). Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ nên dù ham mê đọc sách nhưng Hanako không được đến trường mà thay vào đó phải trông em, làm việc nhà giúp bố mẹ. Bằng sự giúp đỡ của bố, Hanako đã nhận được học bổng tại trường nữ sinh Công giáo Shuwa ở Tokyo và nhanh chónh trở thành học sinh ưu tú của trường.
Sau khi tốt nghiệp, Hanako trở lại quê nhà và trở thành một giáo viên tiểu học. Tuy nhiên, phiền phức bắt đầu xuất hiện khi phương pháp dạy học của trường Shuwa được cô áp dụng tại đây lại vấp phải sự phản đối từ nhiều đồng nghiệp. Sau đó không lâu, Hanako nhận được giải thưởng văn học thiếu nhi của một nhà xuất bản tại Tokyo. Đây chính là bước đệm giúp cô bắt đầu lại sự nghiệp của mình.
Những tưởng cuộc đời mình đã có được những năm tháng bình yên nhưng Hanako tiếp tục phải đối mặt với những nỗi đau. Ông ngoại mất, bố mẹ suýt li hôn và người con trai mà cô mang nặng đẻ đau cũng đột ngột qua đời. Giữa những biến động liên tiếp xảy ra, Hanako đã quyết định dịch một quyển sách mang tên “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh” như một cách để xoa dịu những mất mát trong cuộc đời nhưng không nhà xuất bản nào chịu nhận. Cô cùng chồng đã vực dậy tinh thần cho thế hệ tiếp theo bằng việc xây dựng một thư viện tại nhà dành cho các em nhỏ. Phải đến 7 năm sau đó, quyển sách được Hanako dịch năm xưa mới được xuất bản và phát hành rộng rãi trên toàn nước Nhật.
Hanako không chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho cuộc đời mình mà còn mở ra lối thoát cho cả những người gặp khó khăn, tạo ra một cuộc đời chung cho rất nhiều người. Học giả, dịch giả Hanako Muraoka trở thành chỗ dựa tinh thần cho các em nhỏ, thông qua những trang sách đưa chúng đến một thế giới đầy tươi đẹp, nơi chẳng có chiến tranh, dịch bệnh, đói nghèo.
- Asa Ga Kita (Người Đàn Bà Thép, 2015-2016)
“Asa Ga Kita” là bộ phim mang về cho đài NHK 3 giải thưởng lớn tại Giải thưởng Phim Truyền hình Tokyo 2016, bao gồm: Phim truyền hình xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Bộ phim là câu chuyện có thật về cuộc đời của nữ thương nhân Hirooka Asako (Haru) cuối thời đại Edo. Là con gái thứ hai của một gia đình giàu có ở Kyoto, Asa từ nhỏ đã rất nghịch ngợm, hiếu động, trái ngược hoàn toàn với người chị cả Hatsu (Mizayaki Aoi) thùy mị, nết na. Khi trưởng thành, Asa kết hôn cùng Shinjiro (Tamaki Hiroshi) – con trai của nhà kinh doanh tiền tệ nổi tiếng vùng Osaka. Từ đây, cô bắt đầu sống cuộc sống của một phụ nữ đã có chồng.
Không lâu sau đó, gia đình Shinjiro gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó, người anh cả của của Shinjiro cũng qua đời vì lao phổi. Trước tình cảnh đó, Asa quyết tâm vực dậy cơ nghiệp của gia đình chồng bằng cách chuyển sang khai thác mỏ than. Dù phải đối mặt với nhiều thử thách nhưng Asa vẫn chưa một lần có ý định từ bỏ. Bằng niềm tin và nghị lực, cô tiếp tục phát triển tiệm cho vay thành ngân hàng toàn nhân viên nữ tại Osaka, đồng thời cũng là người thành lập trường đại học nữ sinh đầu tiên tại Nhật Bản.
“Asa Ga Kita” đưa khán giả đến với bức chân dung người phụ nữ thời xưa một cách chân thực và sinh động nhờ diễn xuất của Haru. Dù nhỏ bé, dù chịu nhiều thiệt thòi hay thân phận thấp kém thì người phụ nữ sẽ chẳng bao giờ khuất phục, sẵn sàng đứng lên giành lấy hạnh phúc cho bản thân, cho cả những người mà họ yêu thương.
- Toto Nee-chan (Chị Gái Làm Bố, 2016)
“Toto Nee-chan” là tác phẩm có sự góp mặt của những tên tuổi nổi tiếng như Takahata Mitsuki, Nishijima, Hidetoshi, Kimura Tae, Mukai Osamu…
Lấy bối cảnh những năm 1930 tại vùng Totomi thuộc tỉnh Shizuoka, “Toto Nee-chan” là câu chuyện về cuộc đời của Tsuneko Kohashi (Takahata Mitsuki) – chị cả của một gia đình có 3 chị em. Cuộc sống êm đềm của Tsuneko thay đổi khi bố cô qua đời vì lao phổi. Từ một cô bé 11 tuổi, Tsuneko bỗng chốc trở thành trụ cột của gia đình, nhớ lời cha chăm lo cho mẹ và hai cô em gái.
Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc tại một công ty xuất bản nhỏ và bắt đầu học nghề biên tập. Cùng với hai người em, Tsuneko đã tạo nên một cuốn tạp chí dành riêng cho phụ nữ vào năm 1945. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, quyển tạp chí của Tsuneko ngày càng phát triển và trở thành một ấn phẩm không thể thiếu với những người phụ nữ trong thời đại ấy.
“Toto Nee-chan” đích thị là bài ca về sức sống tiềm tàng của những con người nhỏ bé, sống với đam mê và mong muốn của mình. Không chỉ khắc họa hình ảnh một phụ nữ thành công trong sự nghiệp, “Toto Nee-chan” còn làm bật lên tình cảm gia đình, sự hi sinh, che chở lẫn nhau.
Không chỉ thành công về mặt nghệ thuật, những bộ phim vừa rồi còn hướng khán giả đến cái nhìn cảm thông và trân trọng những con người vốn được xem là “phái yếu” trong xã hội.
Nguồn: bestie.vn
CÔNG TY CỔ PHẦN SEN QUỐC TẾ.
Chuyên Đào tạo Nhật ngữ – tư vấn hồ sơ du học Nhật Bản – Biên phiên dịch tiếng Nhật
Số 01(hoặc 58) Cao Văn Bé, P.Vĩnh Phước, Tp.Nha Trang, Khánh Hòa
Tel/Fax: 0258.3838.279 Mobil: 0966.777.628 (Mr Ca)
Email: info@senquocte.com. Website:https://senquocte.com
Facebook: https://www.facebook.com/senquocte