Năm học cũng như năm tài chính ở Nhật bắt đầu từ tháng 4, vì thế vào thời điểm nửa sau tháng 3 này hẳn có rất nhiều bạn ở Việt Nam sắp sang Nhật để đi học, đi làm, đang tất bật chuẩn bị sắm sửa các thứ thủ tục giấy tờ cũng như mua sắm đồ đạc chuẩn bị cho cuộc sống mới. Và để giúp các bạn giải bài toán “mang gì sang Nhật” để không bị thiếu thốn những ngày đầu, nhưng cũng không mang thừa quá giới hạn trọng lượng của vé máy bay, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm về việc “nên mang gì sang Nhật”, những người đang sống học tập và làm việc tại Nhật – những người đã từng đứng ở vị trí, mang những nỗi niềm giống với các bạn, trước khi đến với đất nước mặt trời mọc, qua những tham khảo trên mạng, những lời khuyên của các đàn anh, đàn chị đi trước, đúc kết lại về những hành trang cần thiết bạn cần mang theo trước khi đến với Nhật Bản, trước hết là về mặt hành lý.
1. Giấy tờ
– Passport (tối quan trọng) và vé máy bay, sau khi làm thủ tục ở sân bay Nhật Bản thì phải giữ thật cẩn thậnThẻ lưu trú (在留カード=ざいりゅうかーど), những thứ này nếu bị mất bị thất lạc sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, trong khi cuộc sống ở nước ngoài bạn còn phải học tập và làm việc với cường độ cao, nên phải hạn chế tối đa những sơ suất mất mát này.
– Bằng cấp ở VN: Chỉ đem bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền (tốt nhất là cần được dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Nhật trước) của các tài liệu: Học Bạ Cấp 3, bằng tốt nghiệp (phổ thông, Đại học…) nếu có, Bảng điểm Đại học (nếu có), các giấy chứng nhận năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật…).
– Ảnh thẻ: nên chụp ở VN thật nhiều rồi mang theo, vì trong thời gian đầu sẽ có nhiều thứ giấy tờ đòi hỏi phải có ảnh dán kèm, nếu không có sẽ phải chụp ở máy chụp ảnh tự động lấy ngay ở Nhật thì sẽ rất đắt (500 – 1000 yên/4 tấm, chưa kể nếu bạn không biết thao tác và chụp hỏng sẽ phải chụp lại nhiều lần). Nên mang sang ảnh 3×4 và 4×6, mỗi loại 15~20 tấm là ổn, lưu ý nền trắng chứ không phải nền xanh, và mặt bạn nên trông nghiêm túc và thiện cảm 1 chút, không nên hình sự hay đầu gấu quá, sẽ có ích khi làm hồ sơ xin việc làm thêm, …
– Các giấy tờ khác như CMND, bằng lái xe, thẻ sinh viên, bản gốc của bất cứ giấy tờ gì… nên để hết ở nhà (trừ phi trường/cơ quan bên Nhật yêu cầu mang bản gốc sang, tuy trường hợp này rất hiếm), vì mang theo sang Nhật cũng không giải quyết được gì, và nhiều khi ở nhà cần có những giấy tờ đó thì lại không có. Giấy tờ tùy thân bằng tiếng Việt duy nhất có hiệu lực ở Nhật là hộ chiếu.
2. Trang phục:
Nhật có đủ 4 mùa xuân-hạ-thu-đông, tuy nhiên không có nghĩa là chúng ta cần mang đủ cho 4 mùa. Tùy từng địa phương mà khí hậu sẽ ấm/lạnh khác nhau, để tìm hiểu các bạn có thể vào mạng tìm kiếm dự báo thời tiết của khu vực đó (ví dụ đi Tokyo thì vào google tìm kiếm “Tokyo weather” hay “東京天気予報”) sẽ biết thời gian đó nhiệt độ ở khu vực đó là bao nhiêu, thời tiết lạnh hay ấm. Nếu muốn biết rõ hơn có thể tìm được dữ liệu về nhiệt độ của những ngày khác trong quá khứ (từ trang chủ của Cục khí tượng Nhật). Bạn cũng có thể đọc thêm về thời tiết khí hậu Nhật.
– Về quần áo: Cũng như nhiều thứ khác, các bạn nên mang đồ sang đủ dùng thời gian đầu và sau đó khi sang ổn định rồi thời tiết thay đổi thì mua thêm sau, chứ không nên mang quần áo đủ dùng cho cả năm kẻo quá cân không cần thiết. Khi các bạn mới sang, thường sẽ sang vào đợt tháng 4 hoặc tháng 10. Đợt tháng 4 thì tương đối lạnh, cho tới trung tuần tháng 4 thì nhiệt độ vẫn thường giữa ở mức dưới 15 độ C và có thể rớt xuống tới 2-3 độ, do đó cần chú ý mang đủ áo ấm cho thời gian này. Tuy nhiên sau đó thời tiết sẽ nóng lên đột ngột, nhất là từ tháng 5 trở đi, do đó có thể nói trang phục chính là trang phục mùa hè (các loại áo sơ mi mỏng, áo phông sang màu,…), tuy nhiên cũng cần cân nhắc giá cả khi mua tại Việt Nam vì nếu ở Việt Nam mà mua từ 400~600k, một chiếc áo thì bạn hoàn toàn có thể mua được bên Nhật với giá tương đương hoặc rẻ hơn, mà mẫu mã lại đa dạng, chất lượng cao hơn… Quan trọng hơn các bạn cũng không cần quá quan tâm tới gu thời trang ăn mặc của người Nhật, hãy chọn sao mà bản thân cảm thấy thoải mái, năng động và trẻ trung nhất, và dĩ nhiên không phản cảm ở chốn công cộng là được. Đợt tháng 10 thì khác, khi trang phục chủ yếu là dành cho mùa lạnh, áo ấm vá các loại quần áo có khả năng giữ nhiệt.
– Cũng có một kinh nghiệm là nếu bạn không muốn mua quần áo ở Nhật, thì nên mang sang nhiều quần áo mỏng, mùa hè thì mặc 1 lớp, mùa rét thì mặc nhiều lớp sẽ ấm hơn là mang 1-2 chiếc áo dày, và cũng đỡ phải mang nhiều quần áo màu đông cồng kềnh, chỉ cần bạn khéo chọn quần áo sao cho có thể mặc nhiều lớp cùng lúc mà không chật quá hay lố lăng quá.Và dĩ nhiên, có một món mà các bạn nữ không thể không mang sang, đó là bộ áo dài truyền thống của Việt Nam, vốn nổi tiếng và được bạn bè quốc tế yêu thích. Còn các bạn nam thì cũng nên chuẩn bị sẳn một bộ vét lịch sự cho dịp kết thúc, hay khai giảng khóa học, tham dự các sự kiện quan trọng…Các bạn nữ cũng có thể chuẩn bị cho mình một bộ vét khi tham dự những sự kiện này thay vì áo dài. Tuy rằng dù mang đến có thể 1 năm chỉ dùng 1-2 lần, nhưng trong những dịp trọng đại như lễ tốt nghiệp hay lễ vào công ty,.. mà không có bộ quần áo chỉnh tề trong khi mọi người xung quanh đều ăn mặc lịch sự thì cũng hơi đáng tiếc đúng không?
– Ngoài ra có thể mang 1 bộ quần áo đi mưa, vì ở Nhật áo mưa rất đơn giản, không có quần và mọi người hầu hết chỉ dùng ô che mưa.
– Về giày dép: bên Nhật có xu hướng đi giày nhiều hơn đi dép hay xăng đan (chú ý khi đi làm, đi xin việc, hay khi tham dự các buổi có không khí nghiêm trang, nghiêm túc thì tuyệt đối không đi xăng đan hay dép thường mà phải đi giày, giày bata cũng ko được). Ngoài ra, nếu ở VN đi 100m cũng dắt xe máy ra đi, thì ở Nhật việc bạn phải đi bộ 1-2 km là việc thường tình, nên nếu được thì nhớ chuẩn bị một đôi giày thể thao chuyên dùng để đi bộ (có lớp gối lót êm chân) sẽ đỡ mệt và tốt cho sức khỏe của bạn rất nhiều. Vì thế nên chuẩn bị sẵn từ 2-3 đôi giày để thay đổi cùng với tất (vớ) là điều nên làm trước khi sang Nhật.
– Về mũ: Mình có để ý thấy một điều là nam giới người Nhật rất ít khi đội mũ, trừ mũ len, và mũ lưỡi trai phẳng kiểu hiphop, và thi thoảng có người điệu thì còn đội mũ cát. dù trời nắng, điều này khá khác với Việt Nam, thay vào đó bạn sẽ thấy không ít người cầm dù. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên các bạn nên chuẩn bị mũ vì nắng ở Nhật khá đắt và mũ cũng không thuộc loại rẻ (trên dưới 1000 yen (khoảng 175k vnd), loại thời trang có thể 3000-4000 yen).
– Nếu sang vào mùa lạnh thì có thể chuẩn bị thêm găng tay và mũ nón, bịt tai, khăn quàng cổ, tuy nhiên nếu không cần dùng ngay thì có thể chờ sang Nhật rồi mua sẽ tiện hơn, khỏi phải mang theo.
– Ngoài ra nếu các bạn nữ thích đi tắm biển hoặc dự định sẽ đi, nên mang một bộ đồ biển theo sang Nhật, vì mua ở Nhật sẽ rất đắt so với mua ở VN. Các bạn nam thì đơn giản hơn, mặc đồ gì kín hơn đồ lót ra biển đều ok.
3. Thiết bị điện tử:
Nếu mang đồ điện/điển tử ở Việt Nam sang, bạn hãy nhớ mang theo ổ cắm lỗ tròn chân dẹt, nếu không sẽ không thể cắm điện/cắm sạc vào ổ cắm dẹt của Nhật.
– Máy tính/laptop: Nếu sang để học ĐH hoặc cao đẳng hoặc sau ĐH, bạn sẽ cần phải sử dụng máy tính rất nhiều. Tuy bạn cũng có thể dùng máy tính của trường, của khoa, của phòng nghiên cứu của bạn, nhưng nếu có một chiếc laptop để cá nhân sử dụng thì chắc chắn sẽ tiện hơn. Về việc mua laptop ở Nhật hơn hay ở VN hơn thì, về chất lượng và cấu hình thì có thể nói mua ở đâu cũng có loại rẻ và loặi đắt, loại tốt và loại dở, tuy nhiên nếu xét giá cả thì với tình trạng đồng yên thấp như hiện nay, thì không có sự chênh lệch là mấy. Chỉ có 3 điều bạn cần chú ý:
– Về ổ cắm điện: vì ở Nhật dùng lỗ cắm dẹt và hầu như không có ổ cắm nào có lỗ cắm tròn, nên nếu mang bất cứ đồ điện nào từ VN sang bạn cần chuẩn bị sẵn cục đổi đầu từ tròn sang dẹt nếu không sẽ không cắm được điện.
– Nếu mua máy tính ở Nhật thì tuyệt đối không mua ở cửa hàng, mà chỉ ra cửa hàng ngắm mẫu mã, nhớ model rồi về lên Amazon/Rakuten/Kakaku mà đặt mua. Mua ở cửa hàng bạn có thể được nhận máy về dùng luôn, tuy nhiên giá ở cửa hàng Luôn luôn đắt hơn từ 20-40% so với mua trên mạng.
– Nếu mua máy tính ở Nhật, bàn phím máy tính sẽ là bàn phím Nhật, mới đầu dùng không quen có thể sẽ hơi khó chịu, tuy nhiên dùng 1 thời gian rồi sẽ quen, khi quen rồi thì dùng lại máy tính có bàn phím kiểu VN sẽ thấy khó chịu.
Bàn phím Nhật – Windows và Mac
– Điện thoại: Nhiều bạn thường hỏi mang điện thoại Việt Nam sang Nhật có dùng được không, câu trả lời là: thường là không, vì chỉ có rất ít điện thoại bản quốc tế có thể dùng được sim Nhật, nhưng còn về wifi thì loại nào bắt được wifi ở VN mang qua Nhật cũng sẽ dùng được wifi. Còn điện thoại nào có thể sử dụng được sim của Nhật, thì hiện tại, tôi chỉ mới biết có Nexus và iPhone bản quốc tế (iPad cũng vậy). Thế nên khi qua Nhật nếu muốn dùng điện thoại để liên lạc thường sẽ phải đăng ký sim mới, nếu điện thoại của bạn là đt nội địa của Nhật, hoặc bản quốc tế có thể bắt được sóng Nhật, thì bạn có thể đến cửa hàng đăng ký sim mới, còn nếu không bạn sẽ phải mua điện thoại mới ở Nhật.
Kim từ điển:Nếu có thì mang, còn không thì dùng từ điển bằng điện thoại cũng được vì từ điển trong điện thoại khá tốt, và tiện lợi khi mang theo bên theo mình. Chỉ có một sự khác biệt nhỏ là nếu bạn học ĐH, một số trường hợp vào phòng thi bạn có thể được dùng kim từ điển, nhưng nếu là từ điển điện thoại thì chắc chắn bạn sẽ không được dùng.
4. Vật dụng cá nhân:
Nên mang đồ dùng cá nhân đủ dùng trong thời gian đầu, sau thời gian đầu khi bạn đã biết địa điểm nơi chốn, hoặc có senpai hướng dẫn thì có thể tự đi mua được, giá cả cũng khá rẻ và bền, không cần mang từ VN sang tất cả. Những thứ ban đầu nên nhớ mang sang thì tùy người, nhưng thường thì có thể có:
– Quần áo (như trên)
– Các đồ vệ sinh thân thể, hóa mỹ phẩm như: bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, bột giặt, bông ngoáy tai, khăn mặt, khăn tắm,… Những thứ thiết yếu bạn dùng gì thì mang theo, nhưng mang thật ít đủ dùng trong thời gian đầu là đủ, sau đó sang Nhật rồi mua thêm. Những thứ kể trên đều có thể mua ở cửa hàng 100 yên.
– Những thứ kém thiết yếu hơn như gương nhỏ, móc áo, bấm móng tay, keo bọt, xi giày, kem dưỡng ẩm, v.v…: Không nên mang, vì có thể dễ dàng mua được ở Nhật (nhất là ở các cửa hàng 100 yên, rẻ không kém và có thể còn rẻ hơn VN). Về những thứ bạn có thể mua ở cửa hàng 100 yên, chúng tôi sẽ giới thiệu trong một bài viết khác.
– Dụng cụ học tập: thật ra thì cũng không cần lắm, nhưng khoảng thời gian từ khi xuống sân bay đến vài ngày đầu tiên ở Nhật, sẽ có rất nhiều điều bạn cần nhớ (lịch tập trung của trường, thủ tục cần đi làm, giấy tờ cần mang theo,…) nên nếu có một hai cây bút chì và bút bi đen (để ký giấy tờ khi cần) + một quyển sổ để ghi chép những lưu ý khi mới qua cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.
– Và có một điều đặc biệt cần lưu ý, đó là: cắt tóc ở Nhật đắt hơn rất nhiều so với VN. Đối với nam, cắt tóc cơ bản thưởng tốn tầm 2000-7000 yen (cắt không, chưa đi kèm các dịch vụ khác như gội nhuộm uốn duỗi hay cạo mặt), còn với nữ thì cũng “chỉ” khoảng 4000 – 20000 yên, nên để tiết kiệm, các bạn nên tranh thủ cắt tóc, làm tóc, nhuộm tóc ở VN trước khi qua Nhật, nhất là các bạn tóc màu có nhu cầu nhuộm đen “hoàn lương” để đi học hoặc đi làm.
– Ngoài ra nếu bạn bị cận/viễn/loạn cần đeo kính, thì nhớ đo mắt cắt kính ở nhà trước khi sang, nếu không khi sang Nhật mới làm cũng sẽ rất đắt so với VN.
– Nếu dùng đồng hồ đeo tay thời trang thì nên mua đồng hồ ở VN, nhưng nếu đeo đồng hồ chỉ để biết giờ, không cần đẹp quá thì có thể mua ở cửa hàng 100 yên ở Nhật.
5. Lương thực thực phẩm:
Vali hành lý điển hình của “du học sinh Nhật” sau vài lần về VN
– Đồ ăn: Thường mọi người hay mang mì gói, ruốc, tôm khô, cá khô, muối tôm, phồng tôm, … Bản thân tôi thì thường mang 30-50 gói mì sang, vì dễ nấu, hợp khẩu vị, khi thèm có thể lấy ra ăn, và cũng vì mì gói VN ngon hơn và rẻ hơn nhiều so với Nhật.
– Gia vị: Các gia vị mà Nhật không có: tương ớt cay, xì dầu, tương nếp, bột canh, mì chính (bột ngọt), bột nêm, bột canh tôm, sa tế, nước mắm, mắm tôm, mắm tép, mắm cáy, mắm ruốc, … hay hành củ (hành tím), hành phi, ớt tươi, giềng, dầu ô liu, … Những thứ khác như: Gừng, tỏi, hạt tiêu, ớt khô, tương ớt ngọt, muối, đường, nước cốt chanh, giấm, bột chiên xù, dầu hào, ketchup, mayonese, mù tạt, wasabi, dầu vừng, dầu dừa, … thì ở Nhật cũng có, giá rẻ nên không cần mang sang.
– Nguyên liệu làm bánh ngọt thì ở Nhật có vô số, không cần mang sang.
– Hạt dẻ ở Nhật rất đắt, có thể mang sang làm quà hoặc ăn chơi.
– Đặc biệt chú ý các vấn đề về thực phẩm khi mang qua cửa sân bay.
Chia sẻ: Ken Chan, Mr. Kro
Nguồn: isenpai.jp
CÔNG TY CỔ PHẦN SEN QUỐC TẾ
Chuyên Đào tạo Nhật ngữ – tư vấn hồ sơ du học Nhật Bản – Biên phiên dịch tiếng Nhật
36A Đặng Tất P. Vĩnh Hải Tp Nha Trang Khánh Hòa
Tel/Fax: +8458.3838.279 Mobil: 0966.777.628 (Mr Ca)
Email: [email protected] Webs
Facebook: