Chào mọi người, lâu lắm rồi mình mới tự viết tiếp một bài mới để chia sẻ. Chắc ở đây cũng có một số người quen mặt mình với 2 cái series “Làm kỹ sư tại Nhật Bản” và “Karate tại Nhật Bản“.
Các bài viết gần đây :
Mấy hôm nay thấy mọi người ôn luyện tiếng Nhật chuẩn bị thi JLPT có vẻ xôm quá nên mình cũng có tí ngu kiến và kinh nghiệm về cái sự đời học tiếng Nhật và làm việc tại Nhật của mình hơn 1 năm qua. Hơi ngược đời vì một cái thằng học dốt, cái gì cũng phải hỏi lại như mình mà hôm nay cũng lại có một bài chia sẻ kiểu “kinh nghiệm học tiếng Nhật”. Nhưng thôi thì người học dốt ít chia sẻ cho người học dốt nhiều chứ đôi khi đọc kiến thức cao siêu quá nên cũng chẳng hiểu :D. Bài chia sẻ dưới đây của mình chủ yếu vào những kinh nghiệm giao tiếp tiếng Nhật mình thu được sau 1 năm làm việc
Mình sang Nhật từ tháng 11 năm 2014, tức là đến giờ thì được hơn 1 năm. Mình bắt đầu học tiếng Nhật vào cuối tháng 6 năm 2014 và học trong khoảng 3 tháng, đến cuối tháng 9 thì xong. Tất cả mình học bắt đầu từ con số 0, thậm chí lúc đầu mình còn chả biết tiếng Nhật có đến 3 loại chữ Hiragana, Katakana và Kanji. Mà nói chung đã học cấp tốc là khổ, kiến thức, ngữ pháp thì có thể nắm vững nhưng lại học theo kiểu máy móc, không biết áp dụng như thế nào. Mình lại vốn là thằng nổi tiếng thực dụng trong việc học ngoại ngữ, mình học để giao tiếp chứ ko phải để thi lấy cái bằng JLPT. Thế nên phương pháp học của mình có khá là khác biệt, mình học bằng kinh nghiệm giao tiếp thực tế chứ chả mấy khi học qua sách.
Nói thế nào về cái việc giao tiếp tiếng Nhật trong công việc của mình nhỉ. Chắc phải đến 90% kiến thức học trong đám sách Minano Nihongo mình chả mấy khi động đến. Tiếng Nhật giao tiếp hằng ngày khác hoàn toàn so với những gì mình đã được học trong sách vở. Những ngày đầu tiên đến đây nói thật là mình chả nghe ra cái gì cả, cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Vậy nên cái số lượng bài các bạn học được mình thấy nó cũng chẳng quan trọng lắm. Chắc tầm 10-15 bài mà học chắc kiến thức, biết nhiều từ vựng, chém gió nhiều là sang đây hót như khướu. Vì sao mình dám khẳng định vậy? Công ty mình có rất nhiều người nước ngoài, trong đó có 1 bà chị người tầu, học tiếng Nhật được 10 năm, giao tiếp chẳng khác gì người Nhật nói. Nhưng bà ấy nói thì mình hiểu, còn mấy ông bà Nhật nói thì mình phải căng hết cả dây thần kinh ra mà đoán nghĩa của từ, đoán trạng thái cảm xúc mà đáp lại tương ứng. Lý do là bà tầu này dùng toàn những từ cực kì đơn giản, ngữ pháp cực kì đơn giản nhưng có cách diễn đạt và ghép nối cực kì tốt, nghe đến đâu hiểu đến đấy.
Số mình làm việc ở công ty cũng khá là may, đội mình có mấy lão người Nhật cũng thuộc dạng thanh niên. Phong cách giao tiếp của mấy lão ấy rất là trẻ trung và nhiệt tình. Tháng đầu tiên mình vào team làm việc nói chung là cũng cóc hiểu mấy. Mà mấy lão ấy cũng hướng dẫn, google hộ nhiệt tình. Cái gì google ko được thì bắn sang tiếng Anh, khua chân múa tay đủ thể loại. Sau một thời gian như thế, mình cũng học được một số cách đoán nghĩa của câu dựa trên ngữ cảnh. Cộng với cái việc nghe nhiều, chém gió nhiều nên số vốn từ vựng mình lên khá nhanh. Mấy lão trong team lại cũng rất hay dạy láo mình, mà mọi người biết rằng học ngôn ngữ thì học láo là nhanh nhất rồi đấy :D. Nhưng mà đa số kinh nghiệm mình thu được chỉ những gì liên quan đến giao tiếp thôi, còn lại những gì liên quan đến viết thì mình lại dốt đặc vì mình rất ngại viết Kanji.
Mình có tham gia một võ đường Karate tại đây, cũng được gần 1 năm rồi. Ở đấy thì mình lại được tiếp xúc với người Nhật mỗi tối, chém gió những gì ngoài công việc chuyên môn nên lại học thêm được vài cái kinh nghiệm giao tiếp nữa ở đây. Đợt mình đi đăng ký tập, chả biết cái gì cũng vẫn cứ liều mạng xông vào chém gió bừa để đăng ký. Đến tận đợt gần đây mình vẫn dốt đến mức nói nhầm từ Atama(đầu) với Kao(mặt) cộng với từ Warui(xấu). Ý mình muốn nói cái thằng tập cùng nhìn mặt nó buồn ngủ, sắc mặt ko được tốt cho lắm. Sau một hồi nói nhầm, sửa đi sửa lại, gãi đầu gãi tai thì mình lại nói thành Atama ga warui, Kao ga warui. Nghĩa là chửi nó dốt và xấu trai. Sau buổi đấy ông thầy bêu mình lên facebook vì tội học dốt. Nhưng không sao cả, vì mình cũng dốt thật mà
Cũng có một thời gian dài mình bỏ tiền ra mua app học tiếng Nhật, cày ngày cày đêm. Nhưng sau chẳng thấy hiệu quả nên mình không gia hạn app nữa. Đến giờ có lẽ mình cũng quên sạch cái đống mình học được rồi. Tóm lại sau 1 năm chém gió bừa phứa ở đây, làm việc cũng ko đến nỗi bị ăn chửi, mình đúc kết lại vài kinh nghiệm giao tiếp của bản thân cho ai có hứng thú đi theo phương pháp thực dụng của mình:
– Nói nhiều, chém gió nhiều, không ngại sai.
Đừng quan trọng quá vào ngữ pháp trong sách làm gì, các bạn có nói sai ngữ pháp thì người Nhật vẫn hiểu, chỉ là bọn nó có cười vào mặt bạn không thôi. Thậm chí các bạn có nói sai hẳn về nghĩa, dùng từ sai thì họ cũng ko để ý vì biết thừa bạn học dốt, không có ý như thế. Mình chém gió sai tè le suốt, bọn nó cười mình thì mình gãi đầu thôi. Sai 1 lần sửa 1 lần, sai 10 lần sửa 10 lần.
– Học cách đoán nghĩa của từ.
Trong một đoạn hội thoại, khi các bạn còn gà thì chắc đến 99,99% là có những từ các bạn không thể nghe rõ nó là cái gì, thậm chí có nghe được từng ký tự thì cũng không biết nghĩa. Lúc này thì tập đoán nghĩa thôi. Đoạn hội thoại nào cũng có chủ đề riêng, chẳng hạn mình được giao task về việc làm cái này cái kia, thì cái từ không nghe được chắc chắn nó phải có tí liên quan. Phân vùng, co giãn lại vùng nghĩa có thể của cái từ đấy rồi các bạn sẽ đoán ra.
Ví dụ, mình đi tập karate lúc khởi động hay có cụm Chushoku wo kaishite, mình biết mỗi từ wo và thể te của động từ. Thấy bọn nó duỗi cái nhượng chân ra nên mình đoán cái Chushoku là chỉ cái nhượng chân, kaishite là chỉ hành động duỗi cái nhượng chân ra…
Cách này mình bê nguyên từ phương pháp học tiếng Anh của mình sang và thấy áp dụng cũng rất hiệu quả. Tuy nhiên để luyện tập cái này cần sự nhanh nhạy ứng biến khá cao, mình cũng mất đến 5 năm đại học mới làm được (mình học bằng tiếng Anh suốt 5 năm). Dù sao cũng là một cách hiệu quả để nhanh giao tiếp được.
– Bắt chước lại y xì
Mấy lão ở team mình hay dạy mình nói bậy và xúi dại mình đi nói linh tinh :D. Mình biết thừa là cũng chả hay ho gì nhưng thôi cứ làm như thằng ngơ vậy. Cũng chẳng ai xui dại để mình bị phạt tiền hay đi tù đâu. Mà bọn nó xui dại mình xong thế nào thì hôm sau mình làm lại y như thế với bọn nó, sau đó bọn nó sẽ giải thích cho mình.
– Không tìm được từ đúng nghĩa thì giải thích đường vòng bằng những từ đơn giản.
Hôm trước mình mới chuyển nhà, cái bếp từ bật không lên. Mình cũng chả biết cái bếp từ tiếng Nhật là gì, thế là mình vòng vo mãi. Nó cũng cóc hiểu, sau một hồi mình giải thích là cái đồ cắm điện vào để nấu thức ăn thì bọn nó bắt đầu “à à, sô đệt sừ cà”. Mình cũng thấy tủi thân chuyện học dốt quá đi
– Gặp từ khó thì bắn sang từ mượn tiếng Anh kiểu Katakana.
Mình làm công việc kiểu IT, từ mượn chắc là thuộc dạng nhiều. Nhưng mà mình thấy giờ bọn Nhật tuy không nói được tiếng Anh tốt nhưng mà lại dùng từ mượn phát âm kiểu Japanlish rất là nhiều. Thành ra nếu có ý tứ nào muốn diễn đạt mà các bạn không biết từ tiếng Nhật tương ứng, cũng không biết giải thích vòng vo thế nào thì tìm quách từ tiếng Anh nào xong rồi nói kiểu Japanlish là bọn Nhật chúng nó cũng hiểu
– Chốt hạ, lại là chém gió, chém, chém và chém.
Mà cái chốt này hơi khác với ban đầu tí, chém gió nhiều nhưng phải biết chỗ sai mà sửa, lần sau chém lại cho đúng. Bọn Nhật nói chỗ nào không hiểu thì cứ bảo lại chúng nó 1 câu đại loại như “Mou ikkai onegaishimasu” “Ế, nandesuka”…bla bla. Gọi điện thoại, đăng ký điện thoại thì cũng cứ theo mấy cái gợi ý như trên của mình mà làm chắc cũng OK. Không nhất thiết phải nhờ mấy bọn dịch vụ Việt Nam làm hộ làm gì, chưa biết bị lừa hay không nhưng mà thông tin mình nắm được rất là lơ mơ.
Dẫu sao thì mỗi người cũng nên có một phương pháp học riêng. Những gì mình nêu ra đây cũng chỉ dùng để mọi người tham khảo xem có thích hợp với bản thân không. Tuy nhiên mình nghĩ phương pháp của mình sẽ thích hợp với những người thuộc dạng thực dụng và siêu lười như mình. Ai học được thì cứ áp dụng, còn ai thấy không đồng quan điểm thì cũng đừng gạch đá nhé.
Nguồn: nuocnhat