Nếu bạn có dịp ghé thăm xứ sở Mặt Trời Mọc vào thời gian này, hãy tham dự lễ hội lễ hội truyền thống Obon hay còn gọi là Lễ Vu Lan của người Nhật Bản.
Obon là hình thức viết giản lược của Urabon được dịch từ Ullambana (Vu-lan-bồn) trong tiếng Sanskrit. Hãy cùng tìm hiểu ngày lễ thiêng liêng của đất nước giàu truyền thống và có nền văn hóa đặc sắc này nhé.
Các bài viết tham khảo :
- Lịch bắn pháo hoa hè 2016 khu vực Kanto
- 10 điều khiến bạn rơi vào " lưới tình " với Nhật Bản
- 8 lý do "không thể không yêu " mùa hè Nhật Bản
Cũng giống Lễ Vu Lan( Lễ xá tội vong nhân) của nước ta, Nhật Bản cũng có một lễ hội mang những nét tương tự thường gọi là lễ Obon diễn ra vào ngày rằm tháng 7 hàng năm (theo lịch âm). Dù có màu sắc khác biệt song với ý nghĩa : Linh hồn của người đã khuất sẽ quay lại trần thế, lễ hội Obon được coi là một ngày lễ tinh thần vô cùng quan trọng, linh thiêng được người dân khắp đất nước coi trọng và giữ gìn.
Vào dịp lễ hội Obon, các thành viên trong gia đình dù ở mọi phương trời đều trở về quê hương của mình, đoàn tụ với người thân trong gia đình để cùng bày tỏ lòng thành kính tri ân, lòng hiếu thảo đến tổ tiên, ông bà. Và cũng trong những ngày này, người Nhật luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, dâng hoa quả, phẩm vật lên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên ở trong nhà.
Trong ngày đầu tiên của lễ hội Obon, người Nhật thường treo và thắp sáng các lồng đèn ở phía trước nhà, đi thăm viếng quét dọn vệ sinh, tu sửa lăng mộ và mời linh hồn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất về đoàn tụ với con cháu. Ở một số vùng, lồng đèn không những được treo ở trong nhà mà còn được treo dọc theo các con đường dẫn vào nhà để hướng dẫn linh hồn người khuất.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội Obon, lồng đèn được đem đến thả ở các sông, hồ, các bờ biển, xem như là để tiễn đưa linh hồn của người quá cố về với thế giới của họ. Thông thường, trong đêm thả lồng đèn, người ta còn đốt pháo hoa.
Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật tổ chức để kỉ niệm Lễ hội Obon. Quan trọng nhất trong đó chính là sự kiện dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất trở về trời bằng 5 đám lửa lần lượt được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Những đám lửa lớn được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán.
Bắt đầu là chữ Đại (Daimonji), rồi đến Diệu (Myo), Pháp (Ho) và Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với chùa Vàng. Mặc dù có nhiều nguồn gốc khác nhau về Lễ dâng lửa, nhưng đa số đều cho rằng phong tục này bắt đầu vào thời Muromachi (1336-1573).
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, họ còn tổ chức rất nhiều hội chợ, nhiều trò chơi để mọi người được tham gia vui chơi giải trí. Thường thấy nhất là cảnh mọi người quy tụ lại ở những nơi có tổ chức chương trình ca múa theo những vũ điệu dân gian Bon Odori. Người dân mặc trang phục yukata (kimono mùa hè) và nhảy múa xung quanh sân khấu ngoài trời.
Hiện nay, điệu nhảy Bon-Odori đã phát triển thành rất nhiều phong cách khác nhau và ngay cả nhạc nền cũng tùy theo từng vùng. Điển hình là kiểu truyền thống: các vũ công nhảy múa vòng tròn quanh một giàn gỗ gọi là Yakura, cũng là sân khấu nơi ca sĩ và nhạc công trình diển. Có kiểu nhảy khác, vũ công lại nhảy múa trên hàng thẳng. Có nơi vũ công cầm quạt khi nhảy múa và cũng có vũ công múa với những chiếc khắn đầy màu sắc gọi là Tenugui. Mỗi kiểu múa đều xuất phát từ lịch sử và đặc trưng riêng của từng vùng, miền.
Ngày nay, lễ hội Obon không chỉ được tổ chức ở riêng đất nước Nhật Bản mà còn được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, cứ ở đâu có cộng đồng người Nhật sinh sống thì ở đó có tổ chức lễ hội này . Nhưng nếu như bạn đến Kyoto vào tháng 7 (âm lịch nhé) hãy tham dự Obon để biết hơn về một đất nước với những tinh hoa truyền thống, những nét đẹp trong văn hóa lâu đời một cách trọn vẹn hơn.
Nguồn : baonhat.com