Chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuần trước đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho giới đầu tư hai nước.
Các bài viết tham khảo :
- Thủ tướng thăm Nhật, dự hội nghị G7 mở rộng
- Hội đàm giữa hai thủ tướng Việt Nam – Nhật Bản
- Nhật Bản sẽ mở rộng cho lao động nước ngoài nhập cư
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi thẳng thắn với hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản tại Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt – Nhật nhằm thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực: công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, và nông nghiệp công nghệ cao… đang đẩy mạnh đầu tư sang thị trường Việt Nam.
Tại Đối thoại này, Thủ tướng khuyến nghị doanh nghiệp Nhật Bản tập trung phát triển sáu lĩnh vực, gồm: công nghiệp điện tử; chế biến nông sản, thủy sản; môi trường và tiết kiệm năng lượng; máy nông nghiệp; đóng tàu; công nghiệp và phụ tùng ô tô.
Đây được xem là những lĩnh vực thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản và phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế VN. Việc đón nhận và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào những lĩnh vực này sẽ giúp cho nền kinh tế và doanh nghiệp VN phát triển, tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp nhất là về vốn, công nghệ… từ đó giúp tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa VN trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Mặt khác,đầu tư của Nhật tăng cũng sẽ tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn. Đặc biệt, từng bước phát triển doanh nghiệp trong nước để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước hướng đến chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị sản phẩm cao cho VN.
Điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, theo các chuyên gia, hai nước có nhiều điều kiện bổ sung cho nhau. Nhật Bản có nền công nghệ hiện đại, tiên tiến nhưng lực lượng lao động nông nghiệp lại chỉ chiếm 4-4%, trong khi đó lực lượng này ở VN lại chiếm tới 70%. Vì vậy nếu kết hợp giữa công nghệ Nhật Bản và lao động VN sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng. Hơn nữa, trước sức ép về về nhu cầu lao động trong khi đòi hỏi chất lượng thực phẩm cũng ngày càng cao nên Nhật Bản có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp không những để nâng cao sức cạnh tranh mà còn tìm những động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Mặt khác, Nhật Bản không có lợi thế để phát triển nông nghiệp, nên doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tranh thủ tìm kiếm các nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi và Việt Nam là một lựa chọn tương đối thích hợp của doanh nghiệp Nhật Bản.
Thực tế là đã có nhiều DN Nhật Bản đầu tư trồng rau hoa quả tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã rất thành công. Gần đây, Tập đoàn FPT đã hợp tác với Tập đoàn Fujitsu của Nhật Bản để đưa giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong nông nghiệp của Fujitsu vào Việt Nam, nhằm biến khu vực Mộc Châu thành TP.Đà Lạt thứ hai…
Hơn 53% doanh nghiệp, phần lớn là DNNVV Nhật nêu tên VN trong kế hoạch đầu tư của mình, tăng gần 5% so với năm ngoái – theo kết quả thăm dò được báo Nhật Asian Nikkei Review vừa công bố.
Một cuộc thăm dò được báo Nhật Asian Nikkei Review công bố ngay trước chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, VN tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật tại ASEAN. Có tới hơn 53% doanh nghiệp, phần lớn là DNNVV Nhật nêu tên VN trong kế hoạch đầu tư của mình, tăng gần 5% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, dù xu hướng đầu tư của các DNNVV Nhật Bản vào VN đang gia tăng mạnh mẽ nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn còn những e ngại về môi trường đầu tư. Theo đó, vẫn còn 3 trở ngại lớn: thứ nhất, mức lương tối thiểu của người lao động đang có xu hướng tăng khiến giá nhân công ở VN không còn cạnh tranh như trước đây; Thứ hai, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, chưa thực sự tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư; Thứ ba, các doanh nghiệp Nhật đang gặp khó khăn trong thu mua nguyên liệu, linh phụ kiện tại VN, rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp đảm bảo và đáng tin cậy tại Việt Nam.
Thực tế, VN đang có nhiều chính sách nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản, đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Chính phủ đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch; tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và thành công tại Việt Nam. Trong năm 2016, VN đặt mục tiêu đạt mức trung bình của các nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu quan trọng như thời gian khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, chỉ số tiếp cận tiếp cận tín dụng theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có nhiều quy định thông thoáng, nới lỏng hơn, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, không phân biệt doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước trong các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước.
Nguồn : baonhat.vn